Sáng chế máy cắt cỏ thành máy cắt lúa đa năng của người dân Quảng Trị

Tôi vừa ghé vào Huyện uỷ Vĩnh Linh (Quảng Trị) thì nghe anh Thắng, Phó Bí thư Huyện uỷ hỏi: Nhà báo về đây đã biết gì về chiếc máy gặt đa năng "Made in Vĩnh Linh" chưa? Nói rồi anh đọc địa chỉ cho tôi ghi. Anh Thắng cho biết về Vĩnh Lâm, hỏi ông Lê Văn Sở chế tạo máy gặt lúa thì ai chẳng biết. Sáng hôm sau, tôi rủ một đồng nghiệp người địa phương tìm đến nhà ông. Ông Lê Văn Sở, 68 tuổi, hiện trú tại thôn Lâm Đặng, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh là cựu chiến binh có vóc dáng hơi gầy, tóc đã bạc nhưng còn khá nhanh nhẹn và tháo vát. Vợ con làm ruộng nên ông cũng là một nông dân thực thụ.
Ông Sở cho biết: Vào khoảng tháng 2/2003, một bận ông vừa dắt xe ra khỏi nhà thì bắt gặp một người đàn ông thu mua phế liệu đang chở một khối sắt khá nặng đi qua. Ông dừng lại và phát hiện ra đó là cái máy cắt cỏ chạy xăng đã bị rỉ, hư hỏng, được người này mua lại theo giá sắt phế liệu. Hỏi người mua thì được biết đây là cái máy cắt cỏ sân bay của ông Lâm, trú ở Nam Hồ, thị trấn Hồ Xá, được người em mua về tặng để làm máy gặt lúa cho gia đình. Nhưng từ khi mang về đến nay không sử dụng được, ông Lâm đành bỏ xó đã 4-5 năm nay. Là một người có nghề sửa chữa cơ khí tại địa phương, ông Sở liền nảy ra ý định táo bạo: Thử mua lại chiếc máy hỏng này rồi đem về cải tiến thành máy gặt lúa xem sao.
Nghĩ vậy, ông chấp nhận bỏ ra 500.000 đồng để mua lại nó và mang về nhà. Khi tháo ra kiểm tra thì chỉ còn 1 dàn dao và một số phụ kiện là đang sử dụng được. Số còn lại đều đã hoen rỉ. Ông bỏ công nghiên cứu cấu tạo từng bộ phận rồi mày mò cải tiến. Sau 3 tháng đổ mồ hôi, công sức và trí óc ra làm việc, cuối cùng chiếc máy gặt cũng hoàn thành. Ông lắp máy gặt vào máy phay đất của Trung Quốc và đưa xuống ruộng nhà mình gặt thử thấy rất có hiệu quả. Chỉ sau 10 phút là gặt xong 1 sào lúa. Tính ra bình quân gặt 1 ha lúa chỉ mất thời gian hơn 3 tiếng. Mừng quá, ông liền mời lãnh đạo huyện Vĩnh Linh xuống Vĩnh Lâm xem máy gặt của ông đang làm việc trên đồng ruộng. Tiếng lành đồn xa, Huyện uỷ và UBND huyện yêu cầu ông đưa máy lên HTX Duy Viên làm thử cho Đài TT-TH huyện và nhân dân các xã đến xem.
Theo ông Sở, chiếc máy gặt mà ông dày công cải tiến có mấy tính năng ưu việt hơn nhiều chiếc máy gặt SX trong và ngoài nước đang được dân ta sử dụng: Thứ nhất là máy gặt của ông không làm rụng hạt thóc xuống ruộng, không bỏ sót lúa, người điều khiển sẽ điều chỉnh để máy cắt cây rạ cao, thấp thế nào đều theo ý gia chủ. Thứ 2, giá thành chế tạo và cải tiến trên cơ sở máy cắt cỏ chỉ hết khoảng 7 triệu đồng, trong khi máy gặt của các nơi khác SX thường là 13-14 triệu đồng/chiếc. Thứ 3, máy gặt của ông gắn trên máy phay đất của TQ nên người điều khiển luôn ngồi trên máy, không gây sự nặng nhọc cho người sử dụng. So với máy gặt có bán trên thị trường 13 triệu đồng/chiếc, mỗi tiếng đồng hồ chỉ gặt được 3- 4 sào thì máy gặt của ông nhanh gần gấp đôi, tốn ít nhiên liệu, nêu hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ ngày có máy gặt đến nay ông đã sử dụng liên tục 3 vụ lúa, vào vụ gặt ông làm dịch vụ cho nhân dân trong vùng với giá 28.000 đồng/sào. Hết gặt lúa, ông tháo máy gặt, lắp máy cày, bừa, phay đất vào làm đất luôn cho dân. Nhờ có máy gặt đa năng này nên sức lao động nông nghiệp được giải phóng và thời gian vật chất dành cho vụ sau cũng dài hơn.
Tuy nhiên, máy gặt cải tiến của ông Sở cũng có mấy nhược điểm: Thứ nhất là nó chỉ hoạt động tốt và nhanh trên diện tích ruộng lúa rộng đã dồn điền đổi thửa, không bị manh mún. Thứ 2, trước khi đưa máy xuống ruộng phải gặt trước bằng tay một khoảng để có chỗ cho máy xuống ruộng và phải dọn hết lúa đã gặt xung quanh bờ để có chỗ cho máy quay đầu.
Ước mơ của ông Lê Văn Sở hiện nay là phải cải tiến làm sao để máy gặt của ông sẽ tuốt được hạt lúa ra khỏi bông để bà con nông dân chỉ việc vận chuyển thóc về nhà phơi phóng nữa là xong. Ông cho biết: Ông đang nghiên cứu dở vấn đề này… Ông phấn đấu hoàn thiện chức năng tuốt lúa ngay trên máy gặt để thực nghiệm trên đồng ruộng vào vụ xuân 2006.

0 Đăng nhận xét:

Đăng nhận xét